Bạn cân nhắc điều gì đầu tiên khi dự định giao dịch một tài sản mới? Một số người có xu hướng chú ý nhiều hơn đến các đặc điểm cơ bản. Những người khác lại chú ý nhiều hơn đến dữ liệu kỹ thuật. Mặc dù cả hai cách tiếp cận đều có lợi thế riêng nhưng hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào cách tiếp cận đầu tiên và thảo luận về các ý tưởng chính xung quanh việc phân tích cơ bản và cách áp dụng chúng vào hoạt động giao dịch.

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là quá trình đo lường giá trị thực của tài sản (còn được gọi là giá trị nội tại). Hoạt động này kiểm tra tình trạng tài chính của tài sản và các yếu tố liên quan, cả bên trong và bên ngoài. Mục tiêu của phân tích cơ bản là để hiểu liệu giá của tài sản có được thị trường đánh giá chính xác tại thời điểm này hay không. Do đó, một nhà giao dịch cần có khả năng so sánh những thông tin có được với giá thị trường hiện tại và kết luận xem tài sản được định giá quá cao hay quá thấp. Từ đó có thể nhận biết một cơ hội giao dịch.

Ý tưởng chính

Logic đằng sau hoạt động phân tích cơ bản dựa trên các giả định sau:

  • Giá hiện tại của tài sản không phản ánh giá trị thực của nó theo thông tin có trong các nguồn mở.
  • Giá trị của tài sản được xác định bởi dữ liệu cơ bản có khả năng phù hợp hơn so với giá thị trường hiện tại.
  • Tại một số thời điểm, giá thị trường sẽ khớp với dữ liệu cơ bản.

Phần lớn dữ liệu được phân tích có thể được chia thành hai loại: định lượng (số) và định tính (mô tả, liên quan đến chất lượng). Dữ liệu mang tính định lượng có thể được thu thập từ các báo cáo tài chính được công bố với thông tin về doanh thu, lợi nhuận, nợ phải trả. Dữ liệu này có thể được đánh giá riêng hoặc so sánh với các công ty khác từ cùng lĩnh vực/ngành hoặc các tài sản có đặc điểm tương tự.

Hãy xem trích xuất từ Báo cáo Thường niên của Twitter. Báo cáo này cung cấp dữ liệu số cho dòng tiền của công ty trong vòng 3 năm qua. Báo cáo này cũng giúp ta so sánh kết quả tài chính hiện tại với các kỳ trước.

Một phần của Báo cáo Thường niên của Twitter, Inc cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2021

Dữ liệu định tính thì ít hữu hình và đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn về các mô hình và chiến lược kinh doanh. Dữ liệu định tính bao gồm các mô hình hành vi của ban quản lý – giúp chứng minh năng lực hoặc làm nảy sinh nghi ngờ về uy tín của công ty; nhận diện thương hiệu; lợi thế cạnh tranh, sự hài lòng của khách hàng và các yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của bất kỳ doanh nghiệp nào. 

Ví dụ, một công ty dược phẩm giới thiệu một loại thuốc mới đã trải qua một loạt các thử nghiệm thành công. Kết quả là, công ty này có được một lợi thế nhất định so với các đối thủ cạnh tranh và điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng lên. Điều này xảy ra với các công ty sản xuất vắc-xin chống Covid-19, chẳng hạn như Pfizer, Inc., AstraZeneca plc.

Điều quan trọng là phải chú ý đến cả hai loại dữ liệu. Dữ liệu định tính hay định lượng không thể nói lên toàn bộ tình hình tài chính của một công ty. Khi cùng xem xét hai yếu tố này, ta có thể thấy hình ảnh đầy đủ hơn về tình trạng hiện tại và tiềm năng tăng trưởng của một công ty hoặc một tài sản.

Cách phân tích

Có nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành phân tích cơ bản cho giao dịch. Hãy xem hai phương pháp có thể được coi là phổ biến nhất trong số các phương pháp phân tích.

↓ Phân tích từ trên xuống

Các bước chính của phương pháp phân tích từ trên xuống

Theo phương pháp này, trước hết ta nên xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến trạng thái của nền kinh tế nói chung. Các yếu tố này bao gồm các hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực, các quy định tài chính, bất ổn chính trị, tỷ lệ thất nghiệp, hậu quả của thiên tai gần đây, v.v. Tham khảo nghiên cứu về các chu kỳ kinh tế cũng có thể hữu ích, vì nó giúp ta hiểu được xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu nói chung. Mục tiêu của bước đầu tiên này là hiểu những ngành và lĩnh vực nào sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện hiện tại.

Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã phải chịu tổn thất từ sự suy giảm nhu cầu đi lại. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành Du lịch: ngay cả những công ty thành công nhất và có lợi nhuận cao cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngược lại, các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông trực tuyến được sử dụng cho công việc từ xa như Zoom Video Communications, Inc. đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự thay đổi này, và điều này được phản ánh qua sự tăng giá của cổ phiếu.

Sự tăng giá cổ phiếu của Zoom Video Communications, Inc. vào tháng 3-10 năm 2020

Giai đoạn tiếp theo là kiểm tra một lĩnh vực và ngành cụ thể được coi là có khả năng hoạt động tốt trong tương lai dựa trên phân tích kinh tế vĩ mô. Ở đây, chúng ta cần tìm hiểu các yếu tố chính ảnh hưởng đến lĩnh vực này. Ai là người chơi chính? Điều gì thúc đẩy sự cạnh tranh? Các công ty trải qua những chu kỳ kinh doanh nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể đem đến những gợi ý về mô hình kinh doanh có lợi thế cạnh tranh. Và gợi ý về những công ty có tiềm năng phát triển hơn so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực.

Lấy ngành công nghiệp trò chơi điện tử làm ví dụ. Một số công ty lớn có thể kể đến như Sony Interactive Entertainment (chủ sở hữu PlayStation), Nintendo, Microsoft Corporation. Các công ty này có kết quả tài chính tốt, tên tuổi được ghi nhận trên thị trường và sở hữu lượng khách hàng trung thành lớn. Tuy nhiên cũng có các yếu tố khác, chẳng hạn như chiến lược quản lý, phương pháp quảng cáo, hoạt động hợp tác mới và việc mua lại đối thủ cạnh tranh, v.v. Những điều này có thể chuyển trọng tâm của thị trường từ công ty này sang công ty khác bất cứ lúc nào và mang đến một cơ hội thú vị cho những nhà giao dịch nhận thức được điều này.

Cuối cùng, chúng ta có thể phân tích thông tin tài chính về một công ty (hoặc nhiều công ty) được chọn thông qua đánh giá trước đó. Để làm được điều này, điều quan trọng là ta phải xem xét kỹ lưỡng các tài liệu tài chính của công ty, chủ yếu là bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhậpbáo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thông thường báo cáo tài chính chính thức được công bố hàng quý hoặc hàng năm. 

Bảng cân đối kế toán bao gồm các bản ghi tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty tại một thời điểm nhất định. Mặt khác, báo cáo thu nhập đem đến cái nhìn tổng quan về hiệu suất của công ty trong một khoảng thời gian (thường là một quý hoặc một năm). Tài liệu này bao gồm doanh thu, chi phí và lợi nhuận đạt được trong khoảng thời gian đó. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp dữ liệu về các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền mặt. 

Các chỉ số tài chính

Các chỉ số cụ thể được tính toán dựa trên các thông tin trong các báo cáo tài chính nêu trên. Các chỉ số này có thể đưa ra gợi ý về cách doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm này và dự đoán tương lai của doanh nghiệp. Có khá nhiều chỉ số để ta phân tích. Dưới đây là một vài chỉ số có thể coi là cơ bản nhất và dễ nắm bắt nhất.

  • Chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E)

Chỉ số này được tính bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Chỉ số này giúp ta hiểu giá trị tương đối của công ty khi so sánh nó với kết quả trong quá khứ hoặc các doanh nghiệp khác.

  • Lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS)

Chỉ số này được ước tính bằng cách chia thu nhập ròng của một công ty cho số lượng cổ phiếu hiện tại. Chỉ số này cho biết một công ty kiếm được bao nhiêu trên mỗi cổ phiếu.

  • Nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E)

Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng nợ của công ty cho vốn chủ sở hữu để hiểu mức đòn bẩy đang được sử dụng và cổ đông có gặp rủi ro hay không.

  • Lợi nhuận trên tài sản (ROA)

Chỉ số này được tính bằng cách chia lợi nhuận ròng cho tổng tài sản. ROA cho thấy công ty đang kiếm được bao nhiêu lợi nhuận cho mỗi đô la tài sản. Do đó, chỉ số này cung cấp bằng chứng về mức độ sử dụng tài sản hiện có để tạo ra lợi nhuận.

Bạn có thể thách thức các kỹ năng toán học của mình và thử tự tính toán các chỉ số này hoặc tìm trên các trang web phân tích tài chính, chẳng hạn như Investing.comFinviz. Khi đánh giá các doanh nghiệp dựa trên các chỉ số này, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu các con số thích hợp cho từng ngành công nghiệp, vì chúng có thể khác nhau.

Các chỉ số tài chính hiện tại được tính toán cho Tesla, Inc. 

Nguồn: https://www.investing.com/equities/tesla-motors-ratios

↑ Phân tích từ dưới lên

Cách tiếp cận này có các bước tương tự như cách tiếp cận trước nhưng được tiến hành theo chiều ngược lại. Phương pháp này kiểm tra tất cả các dữ liệu nêu trên, nhưng bắt đầu từ dưới cùng – từ những thay đổi trong báo cáo tài chính của công ty – đến các yếu tố kinh tế vĩ mô. 

Cả hai phương pháp đều mang đến một lượng thông tin đáng kể giúp ta đưa ra quyết định giao dịch. Nếu bạn muốn phân tích các khía cạnh của một công ty cụ thể để xem công ty đó có tiềm năng hoạt động tốt trong môi trường kinh tế hiện tại hay không thì phương pháp phân tích từ dưới lên có thể sẽ hữu dụng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một cái nhìn rộng hơn và xem xét các yếu tố toàn cầu ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và công ty khác nhau, thì phân tích từ trên xuống thể đem lại kết quả tốt hơn.

Ngoài việc phân tích các điều kiện kinh tế và báo cáo tài chính chủ yếu đưa ra các số liệu định lượng, cũng cần chú ý đến số liệu định tính. Điều này bao gồm tin tức kinh tế và chính trị, thông tin về việc sáp nhập và mua lại công ty, thay đổi ban quản lý, chẳng hạn như tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng và thậm chí các vụ bê bối có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty. Và, từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty trong tương lai. Những sự kiện này có thể có tác động đến doanh nghiệp nhiều hơn so với thông tin trong báo cáo tài chính.

Ví dụ, hãy xem biến động về giá cổ phiếu của Activision Blizzard, Inc. trong năm qua. Sự thay đổi lớn đầu tiên xảy ra sau một vụ kiện chống lại công ty vào tháng 7 năm 2021. Công ty bị cáo buộc xây dựng văn hóa làm việc không lành mạnh, quấy rối tình dục, trả lương không bình đẳng và có nhiều hành vi phạm tội khác. Tiếp sau vụ kiện là một cuộc điều tra kéo dài về các hoạt động của ban quản lý liên quan đến vấn đề này. Trong thời gian đó, Giám đốc điều hành của công ty đã bị buộc tội che giấu thông tin về hành vi sai trái của nhân viên vào tháng 11 năm 2021.

Giá cổ phiếu của Activision Blizzard, Inc. đột ngột giảm vào tháng 7-11 năm 2021

Mặc dù cho đến tháng 3 năm 2022 vụ kiện vẫn chưa được giải quyết nhưng giá cổ phiếu đã tăng trở lại vào tháng 1 năm 2022. Điều này xảy ra sau khi Microsoft Corporation công bố mua lại Activision Blizzard.

Activision Blizzard, Inc. Giá cổ phiếu tăng trưởng sau công bố mua lại

Thời điểm sử dụng phân tích cơ bản cho giao dịch

Phân tích cơ bản có thể được sử dụng khi đánh giá các tài sản khác nhau để tìm kiếm cả cơ hội đầu tư và giao dịch. Phân tích cơ bản có thể được coi là hữu ích hơn khi phân tích các xu hướng dài hạn, vì nó cung cấp thông tin về sự tăng trưởng tiềm năng mà thị trường hiện tại chưa phản ánh đầy đủ. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho các giao dịch ngắn hạn. Ví dụ, sau khi công bố báo cáo tài chính hoặc tin tức ảnh hưởng đến triển vọng chung của công ty và tài sản của công ty. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về việc lựa chọn cổ phiếu tốt nhất, hãy tham khảo bài viết này với những thông tin tổng quan về các yếu tố cần lưu ý khi đưa ra quyết định giao dịch.

Kết luận

Phân tích cơ bản là một phương pháp hiệu quả trong việc đánh giá giá trị thực sự của một công ty hoặc một tài sản. Nếu được sử dụng đúng cách, phương pháp này có thể mang lại cơ hội giao dịch. Tuy nhiên, phân tích cơ bản đòi hỏi những nỗ lực đáng kể trong việc nghiên cứu và phân tích các báo cáo tài chính, cũng như một số yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến giá. Mặc dù vậy, ngay cả khi được thực hiện chính xác, phân tích cơ bản không đảm bảo thành công: đôi khi thị trường cần một khoảng thời gian nhất định để bắt kịp và bắt đầu phản ánh giá trị nội tại của tài sản. 


Giao dịch ngay